Phương thức thanh toán ghi sổ – Open Account

Download Bộ chứng từ thanh toán ghi sổ

1. Khái niệm phương thức thanh toán ghi sổ

Thanh toán ghi sổ là phương thức thanh toán trong đó người xuất khẩu sau khi thực hiện giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ cho người nhập khẩu thì mở một tài khoản (hoặc một cuốn sổ) ghi nợ cho người mua.

Việc thanh toán các khoản nợ này được thực hiện sau một thời gian nhất định do hai bên mua bán thỏa thuận.

Thực chất của phương thức thanh toán ghi sổ là người xuất khẩu (người bán) thực hiện tín dụng thương mại cho người mua. Phương thức này ngược với phương thức thanh toán ứng trước.

phương thức thanh toán ghi sổ

Ví dụ:

Trên cơ sở hợp đồng thương mại đã ký kết, sau khi giao hàng, người bán gửi hóa đơn cùng các chứng từ khác có liên quan cho người mua để được thanh toán theo thỏa thuận.

Ngoài giá trị và thời điểm thanh toán, trên hóa đơn còn có thể quy định việc thưởng phạt là như thế nào nếu người mua thanh toán sớm hơn hay thanh toán chậm hơn so với quy định.

Trên cơ sở hóa đơn, người mua tiến hành thanh toán cho người bán theo lịch đã định.

Đặc điểm của phương thức thanh toán ghi sổ

– Không có sự tham gia của ngân hàng với chức năng là người mở tài khoản và thực hiện thanh toán.

– Chỉ có hai bên tham gia thanh toán là nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu.

– Hai bên mua bán phải thực sự tin tưởng lẫn nhau.

– Dùng chủ yếu trong mua bán hàng đổi hàng hay cho một loạt các chuyến hàng thường xuyên, định kỳ trong một thời gian nhất định.

– Giá trong phương thức ghi sổ thường cao hơn giá hàng bán trả tiền ngay, chênh lệch là do yếu tố lãi suất và rủi ro tín dụng.

Hiện nay, có khoảng 60% kim ngạch buôn bán giữa nước Anh và các nước EU sử dụng phương thức thanh toán ghi sổ; bởi vì, giữa các nước này có sự tương đồng về văn hóa, tập quán kinh doanh, luật lệ, các khách hàng có mối quan hệ kinh doanh truyền thống, thường xuyên, lâu dài và tin tưởng lẫn nhau.

2. Quy trình thanh toán ghi sổ

 

phương thức thanh toán ghi sổ

Giải thích:

(1) Người bán giao hàng và gửi bộ chứng từ cho người mua

(2) Người bán gởi giấy báo nợ cho người mua

(3) Người mua đến ngân hàng làm thủ tục chuyển trả tiền cho người bán.

(4) Ngân hàng nhập khẩu chuyển trả tiền cho người xuất khẩu thông qua ngân hàng dịch vụ người xuất khẩu.

(5) Ngân hàng báo có cho người xuất khẩu.

3. Ưu nhược điểm phương thức thanh toán ghi sổ

Ưu điểm:

– Ngân hàng không tham gia xử lý các chứng từ và can thiệp vào quá trình thanh toán nên các thủ tục được giảm nhẹ, tiết kiệm được chi phí thanh toán;

– Đối với người xuất khẩu, đây là phương thức bán hàng đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp, thường được thực hiện giữa các đối tác không có sự hoài nghi về độ tín nhiệm và các rủi ro trong thanh toán không phát sinh.

Do chi phí bán hàng thấp nên nhà xuất khẩu có thể giảm giá bán nhằm tăng khả năng cạnh tranh, thu hút thêm đơn đặt hàng mới với số lượng, tăng được doanh thu và lợi nhuận.

– Đối với người mua, đây là phương thức thanh toán rất có lợi, thường bán xong hàng mới trả tiền. Quyết định đoạt về hàng hóa và thanh toán do người mua quyết định. phương thức thanh toán ghi sổ

Nhược điểm:

Đây là phương thức thanh toán không có lợi đối với người xuất khẩu vì rủi ro thanh toán cao và bị ứ đọng vốn. Sau khi nhận hàng, nhà nhập khẩu có thể không thanh toán hoặc không thể thanh toán, hoặc chủ tâm trì hoãn kéo dài thời gian thanh toán.

Về lý thuyết, cho dù quyền sở hữu hàng hóa có thể được bảo lưu, nhưng thực tế nhà xuất khẩu khó lòng kiểm soát một khi đã chuyển hàng hóa cho nhà nhập khẩu.

Ngoài ra, nhà nhập khẩu có thể dàn dựng tranh chấp về chất lượng hoặc khiếu nại về sự khiếm khuyết hay thiếu hụt hàng hóa như là nguyên cớ để yêu cầu giảm giá. Đứng trước tình hình này, nhà xuất khẩu chỉ có ba cách lựa chọn:

  • (i) quyết định giảm giá;
  • (ii) tìm đối tác mua khác;
  • (iii) chở hàng quay về nước.

Để phòng gnừa rủi ro này, nhà xuất khẩu phải mua bảo hiểm tín dụng hoặc yêu cầu nhà nhập khẩu cấp một thư tín dụng dự phòng.

4. Điều kiện áp dụng

Khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam nên áp dụng trong các trường hợp:

– Là nhà nhập khẩu;

– Áp dụng thanh toán giữa công ty mẹ, công ty con đóng trụ sở ở các nước khác nhau.

– Người bán và người mua có mối quan hệ tin cậy, người bán khống chế được quá trình thanh toán của người mua.

5. Những điểm cần thỏa thuận trong phương thức thanh toán ghi sổ

– Đồng tiền thống nhất ghi nợ là đồng tiền nào.

– Căn cứ nhận nợ cho người mua là gì? Giá trị hóa đơn giao hàng hay kết quả nhận hàng tại nơi nhận hàng?

– Phương thức chuyển tiền bằng M/T hay T/T?

– Định kỳ thanh toán quy định thế nào? X ngày kể từ ngày ghi hóa đơn thương mại đối với từng chuyến hàng hoặc từ ngày ghi trên vận đơn giao hàng hay định kỳ theo niên lịch?

– Chậm thanh toán giải quyết thế nào? Có phạt không? Mức phạt là bao nhiêu? Cách tính thế nào?

– Nếu có sự khác nhau giữa ghi nợ của người bán và nhận nợ của người mua thì giải quyết thế nào?

Xem thêm: Khóa học xuất nhập khẩu online

Xem thêm: Video YouTube học xuất nhập khẩu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *